Linux là gì?
Vào năm 1991, khi đang theo học tại đại học Helsinki, ông Linus Torvalds đã bắt đầu nảy sinh ý tưởng cho một hệ điều hành mới thay thế cho hệ điều hành cũ kỹ của nền giáo dục hiện tại. Chính vì vậy ông đã bắt tay vào viết những dòng lệnh đầu tiên của Linux, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của hệ điều hành Linux hiện nay.
Nhìn bề ngoài, Linux là một hệ điều hành, một phần mềm quản lý máy tính. Nó tương tự với Microsoft Windows, nhưng Linux tự do và miễn phí hoàn toàn. Linux gồm có một nhân kernel (mã cốt lõi quản lý các tài nguyên phần cứng và phần mềm) và một bộ sưu tập các ứng dụng của người dùng (chẳng hạn như các thư viện, các trình quản lý cửa sổ và các ứng dụng).
Linux được sử dụng ở đâu?
Linux được sử dụng rất rộng rãi từ các thiết bị di động nhỏ như smartphone, tablet… đến các máy tính cá nhân desktop, laptop và các máy chủ, hệ thống máy chủ siêu lớn… Dữ liệu thị phần gần đây chỉ ra rằng Linux nắm giữ khoảng 1,5% thị trường máy tính để bàn, nhưng lại nắm giữ khoảng 32% thị trường netbook.
Những bản phân phối (Distro) phổ biến của Linux.
Kể từ lúc Linux ra đời, cho đến nay đã có rất nhiều distro khác nhau, một phần là do tính “mở” của nó. Một số distro có thể kể đến như: Ubuntu, Fedora, LinuxMint, openSUSE, PCLinuxOS, Debian, Mandriva…
Sự khác nhau giữa các distro chủ yếu dựa vào 2 yếu tố:
- Thị trường mà distro muốn nhắm đến, ví dụ dành cho máy chủ, doanh nghiệp, siêu máy tính, người dùng đầu cuối…
- Tùy thuộc vào triết lí phần mềm của từng distro mà những người phát triển quyết định gắn bó lâu dài với distro đó hay không.
Các distro phổ biến và phát triển bền vững hiện nay có thể được chia thành 4 nhóm:
- (1) Arch (archlinux.org), Gentoo (gentoo.org), Slackware (slackware.com): Các distro nhắm vào người dùng am hiểu về hệ thống Linux. Hầu hết phương thức xây dựng và cấu hình hệ thống đều phải thực hiện qua môi trường dòng lệnh.
- (2) Debian (debian.org), Fedora (fedoraproject.org): Các distro cũng nhắm vào những người dùng am hiểu hệ thống, tuy nhiên cung cấp nhiều công cụ hơn cho những người chưa thật sự hiểu rõ hoàn toàn về Linux. Nhóm này tương đối thân thiện với người dùng mới bắt đầu hơn nhóm (1). Tuy nhiên, các distro nhóm này lại có một quy trình phát triển và kiểm tra chất lượng các gói phần mềm cực kì khắt khe so với các distro còn lại. Để trở thành một lập trình viên chính thức của Debian hay Fedora cần phải có thời gian đóng góp khá dài, và phải được chứng nhận bởi các lập trình viên khác. Do vậy, môi trường để lập trình và nghiên cứu ở 2 distro này khá tốt.
- (3) Centos (centos.org), RHEL (redhat.com/rhel), SUSE EL (novell.com/linux): Các distro này chủ yếu nhắm vào thị trường doanh nghiệp, cơ quan, thị trường máy chủ… Các dòng distro này có nhiều đặc tính phù hợp cho mảng thị trường đòi hỏi sự ổn định cao như:
- Thời gian ra phiên bản mới thường khá lâu (3 – 5 năm tùy distro);
- Dịch vụ hỗ trợ thương mại cho các công ty, tổ chức sử dụng sản phẩm;
- Ít sử dụng các công nghệ mới nhất (thường kém ổn định) mà tập trung phát triển trên các công nghệ lâu đời và đáng tin cậy hơn.
- (4) Ubuntu (ubuntu.com), Open SUSE (opensuse.org): Nhóm các distro nhắm đến người dùng đầu cuối và người mới bắt đầu sử dụng Linux. Đặc tính của các distro này là:
- Thời gian phát hành ngắn
- Ứng dụng liên tục các công nghệ mới với nhiều công cụ đồ họa để cấu hình hệ thống
- Thiết kế với mục đích dễ dùng, dễ làm quen, không cần đọc tài liệu đối với người mới.
Cần chuẩn bị gì để tự học Linux?
Bạn cần chuẩn bị một phần mềm tạo máy ảo như VirtualBox. Và cài đặt hệ điều hành Linux lên nó để bắt đầu học nhé. Mới bắt đầu mình nghĩ các bạn nên chọn hệ điều hành Ubuntu. Xem bài Hướng dẫn cài đặt Ubuntu 16.04 nhé.
Lời kết
Hy vọng qua bài viết tìm hiểu về linux này sẽ giúp các bạn một phần nắm được sự hình thành của linux.